Lớp cầu lông miễn phí của thầy Vũ

VHO- Trải qua quãng đường yên bình với những vườn cây xanh mướt, chúng tôi đến đầu thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Biết chúng tôi tìm đến nhà anh Phạm Văn Vũ, người thầy của tay vợt nữ số 1 Việt Nam Vũ Thị Trang, dăm bảy đứa trẻ đã xung phong dẫn đường.

Lớp cầu lông miễn phí của thầy Vũ - Anh 1

 Cầu lông Việt Nam sẽ có thêm nhiều VĐV tài năng từ những lớp ươm mầm của HLV Phạm Văn Vũ

 Đã từ lâu anh Vũ được người dân cả vùng biết đến nhờ lớp học văn hóa, dạy cầu lông miễn phí, từng cho “ra lò” nhiều tay vợt xuất sắc.

Muốn có thành tích phải đào tạo trẻ

Đám trẻ dẫn chúng tôi vào thẳng nhà anh Vũ, nhà không có cổng nên chúng tôi cứ thế đánh tiếng rồi đi thẳng vào. Giữa cái nắng nóng gay gắt, căn nhà nhiều cây xanh của anh làm không khí dịu mát phần nào. Đám trẻ lúc nãy tầm 5- 6 tuổi hóa ra đều đang trên đường đến nhà anh Vũ để học lớp cầu lông buổi chiều. Trong câu chuyện của chúng tôi với anh Vũ sau đó, thỉnh thoảng lại có em ra hỏi thầy cách giải toán và báo cáo thầy đã hoàn thành bài tập để thầy chấm điểm.

Nhấp chén trà, anh Vũ nhớ lại: “Trước khi đi bộ đội, tôi cũng là vận động viên cầu lông trưởng thành từ tuyến xóm, lên tuyến xã, huyện rồi đến tỉnh. Khi đó đội chúng tôi thua nhiều quá, tôi cứ suy nghĩ mãi để làm sao cho sau này có được thành tích. Ban đầu tôi thành lập câu lạc bộ cầu lông của thôn chỉ để cho mấy anh em lớn tuổi chơi. Trong lúc chúng tôi tập thì trẻ con đến xem đông lắm. Tôi mới nghĩ, muốn có thành tích thì buộc phải đào tạo trẻ và vì thế đã tuyển chọn các bé yêu thích môn cầu lông rồi tiến hành tập luyện”.

Được vợ ủng hộ, anh Vũ mở lớp cầu lông miễn phí dạy cho trẻ em trong thôn. Ở vùng quê nghèo, việc phải bỏ tiền cho con mua vợt, mua cầu rồi mua cả giày tập luyện rất khó khăn vì thế để có thể thu hút được các em đến học, anh Vũ phải tự bỏ tiền mua dụng cụ tập luyện. Ban đầu bà con trong vùng thấy anh Vũ nhiệt tình, dạy cầu lông nên cũng muốn gửi con cháu đến để thầy trông nom nhưng sau đó, đội quân do anh huấn luyện được giải nhất nội dung đôi nữ giải cầu lông của tỉnh Hà Bắc thì câu lạc bộ cầu lông của anh Vũ bắt đầu được chú ý.

Đặc biệt, từ lò huấn luyện của thầy Vũ, hàng loạt tên tuổi của cầu lông Việt Nam đã dần trưởng thành tham dự nhiều đấu trường lớn trong nước và quốc tế. Điển hình là VĐV Vũ Thị Trang. Từng được xem là tay vợt nữ số 1 Việt Nam, Vũ Thị Trang là tay vợt đầu tiên lọt vào vòng 16 tay vợt mạnh nhất nội dung đơn nữ tại giải vô địch thế giới 2014 ở Copenhagen (Đan Mạch), từng đoạt HCĐ Olympic trẻ, HCĐ SEA Games, giành vé dự Olympic Rio 2016.

Bên cạnh niềm tự hào Vũ Thị Trang, lò đào tạo của thầy Vũ cũng chính là nơi sản sinh ra 4 kiện tướng quốc gia là Hà Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Sen, Trần Thị Phương Thuý, Nguyễn Thị Ngọc Lan. Trong số này Trang, Sen, Thuý đều là hàng xóm và trưởng thành từ sân tập cầu lông nhà thầy Vũ.

Dạy học toán vì không muốn mang tiếng dân thể thao dốt

Những ngày đầu mở lớp cầu lông, anh Vũ vừa phải tự tìm tòi, tập luyện, vừa phải tìm thầy, tìm bạn để học, rút ra cách thức huấn luyện. “Tôi cũng suy nghĩ rằng giờ bà con giao con, cháu cho mình nhưng nếu việc học cầu lông ảnh hưởng đến việc học văn hóa thì sẽ không ai muốn cho con theo học cầu lông nữa. Làm sao để các cháu vừa chơi được cầu lông, lại vừa học được văn hóa, bà con mới có thể tin tưởng gửi con cháu lâu dài. Không những thế, tôi không hài lòng vì suy nghĩ của nhiều người rằng dân thể thao thì dốt về văn hóa. Nên tôi quyết tâm đi học thêm kỹ năng sư phạm. Khi đi học, tôi cũng học tốt môn toán nên sau đó tôi mở lớp học toán dạy thêm cho các cháu. Từ đó bà con càng thêm yên tâm gửi con, cháu cho câu lạc bộ. Cũng nhờ việc dạy thêm Toán, có thêm nhiều cháu học mà tôi có thêm kinh phí để hỗ trợ cho lớp học cầu lông”, anh Vũ chia sẻ.

Được xem là “trợ lý” HLV của thầy Vũ, Lương Ngọc Hân được thầy “giữ” lại để phụ thầy lo cho lớp U7. Hân và chị theo học từ năm 6 tuổi, chị chơi tốt hơn nên đã được lên đội tuyển của tỉnh còn Hân thì ở lại phụ thầy huấn luyện các em. Giờ thì lớp VĐV sau thế hệ của Hân có khoảng hơn 20 em trong đó 12 em được thực hiện theo chương trình của tỉnh. Câu lạc bộ cầu lông của thầy Vũ cũng đã được tỉnh Bắc Giang coi là tuyến vệ tinh đào tạo VĐV của tỉnh nên được hỗ trợ kinh phí đào tạo. Liên đoàn cầu lông tỉnh cũng quan tâm, hỗ trợ các vấn đề về chuyên môn để câu lạc bộ hoạt động.

Mô hình điểm của HLV Phạm Văn Vũ đã được nêu gương để nhân rộng sang các địa phương khác học tập. Thầy Vũ cũng nổi tiếng trên các chương trình truyền hình, báo đài. Từ một người nông dân, bằng lòng nhiệt huyết và quyết tâm, thầy Vũ đã tự học, tự hoàn thiện để có thể trở thành người thầy đầu tiên nâng đỡ các tài năng như Vũ Thị Trang, Nguyễn Thị Sen… Giờ thì các VĐV này đã bay cao, bay xa nhưng những bài học đầu tiên từ thầy Vũ, họ vẫn không quên. Và đó là lý do để các VĐV này vừa giỏi về tài năng thể thao, vừa toàn diện về việc học văn hóa. 

THU SÂM

Ý kiến bạn đọc